Một số kĩ năng an toàn cho trẻ từ 4 – 6 tuổi

Trẻ từ 4-6 tuổi đã có những nhận thức cơ bản, do đó bố mẹ có thể dạy cho bé những kĩ năng an toàn để bé có khả năng tự bảo vệ bản thân khi cần thiết.

Bố mẹ dù có bảo vệ con kĩ như thế nào cũng không thể luôn bên con mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, có rất nhiều tình huống không an toàn có thể xảy ra đối với trẻ. Bố mẹ cần trang bị cho con những kĩ năng để ứng phó trong một số tình huống nguy hiểm để tự bảo vệ bản thân.

Phải làm gì khi gặp người lạ?

Xã hội giờ đây quá phức tạp với những nạn bắt cóc trẻ con, buôn bán nội tạng,… nên người lạ không thể tin tưởng được. Bé từ 4 tuổi đã có thể nhận ra được đâu là người quen, đâu là người lạ. Do đó, cha mẹ nên nói chuyện, căn dặn con để con hiểu được tiếp xúc với người lạ rất nguy hiểm. Nhắc nhở con không được nói chuyện với người lạ, không nhận bất cứ thứ gì của họ hay để cho họ ôm hôn, chạm vào mình. Trong trường hợp có người lạ đến đón ở lớp thì cần báo ngay với cô giáo để cô có thể liên hệ với bố mẹ.

Phải làm gì khi bị lạc?

Có rất nhiều trường hợp trẻ em bị lạc cha mẹ đã xảy ra nên hãy chắc chắn bạn đã dạy con những kĩ năng khi bị lạc. Để giúp con không hoang mang khi bị lạc ở một nơi lạ lẫm, hãy dặn con hít thở thật sâu, đứng yên một chỗ, không khóc lóc và gọi tên bố mẹ để bố mẹ có thể sớm tìm thấy bé. Trường hợp một thời gian không thấy bố mẹ, hãy dặn bé tìm sự trợ giúp từ chú công an, cảnh sát giao thông, hoặc bảo vệ… Đặc biệt, bạn nên cho bé biết cách liên hệ với bố mẹ trong những trường hợp này bằng cách ghi số điện thoại, địa chỉ của mình lên balo, túi của bé hoặc làm cho bé một chiếc túi nhỏ xinh chứa số điện thoại và địa chỉ đeo vào dây chuyền trên cổ để bé có thể tìm sự trợ giúp. Với các bé lớn hơn một chút, cha mẹ cũng nên dạy bé nhớ địa chỉ của nhà mình, hoặc nhớ được số điện thoại thì càng tốt. Các bé sẽ không thể nhớ được luôn, vì vậy các mẹ nên thường xuyên kiểm tra bé và cho bé nhắc lại để bé có thể nhớ tốt hơn.

Tham gia giao thông đúng cách

Bố mẹ có thể dạy bé cách nhận biết các tín hiệu đèn giao thông như: đèn xanh thì được đi, đèn vàng chuẩn bị, đèn đỏ thì dừng lại. Có thể dạy bé bằng cách cho bé nhắc lại hàng ngày hoặc mỗi khi chở bé lúc dừng đèn đỏ có thể chỉ cho bé cách nhận biết. Khi đi đường thì nên đi bên phải và đi vào trong vỉa hè, không đi ở lòng đường.

Nhận biết các vật, các hành động nguy hiểm

Hãy dạy cho bé nhận biết các vật nguy hiểm mà bé không được chạm vào như: các thiết bị điện, bếp ga, nhắc nhở bé không được chơi ngoài ban công hay chơi quá gần khu vực ao hồ, không xô đẩy nhau khi đứng ngoài ban công hoặc đi trên đường. Ngoài ra cha mẹ có thể dạy cho con biết bơi từ sớm để con hạn chế được các nguy hiểm từ nước.

Chỉ bé cách gọi điện trong trường hợp khẩn cấp

Bé có thể gặp một số trường hợp khẩn cấp, do đó hãy dạy bé một vài số điện thoại cần thiết và cách gọi chúng trong trường hợp này như:

114 – gọi khi có cháy hoặc khi cần cứu hộ cứu nạn

113 – gọi lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh

115 – gọi cấp cứu trong trường hợp có người bị thương

Bạn nên dạy bé cách gọi trên cả điện thoại di động và điện thoại bàn đồng thời tập dược các tình huống như một cách để chơi với bé và bé nhận thức được khi nào thì cần gọi những số này. Các bé từ 4 tuổi trở nên đã hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại một cách dễ dàng.

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email

Công ty TNHH SNO

435 An Dương Vương, P.11, Q.6

Tel : 028 62900030 - 028 7542336

Web : www.babyguard.vn Mail: info@fujisno.com

GCN ĐKKD số : 0313643802 do SKH&ĐT Tp.HCM

Cấp ngày 29/01/2016