Bên cạnh việc đào tạo tri thức và đạo đức, nền giáo dục Nhật Bản đặc biệt chú trọng tới việc giáo dục thể chất cho trẻ.
Nếu đặt chân đến nước Nhật, đặc biệt là tới các trường học của Nhật Bản, điều đầu tiên bạn có thể nhận thấy đó là các câu lạc bộ, các hoạt động thể dục thể thao xuất hiện khắp nơi, từ mẫu giáo cho đến tiểu học và các cấp học lớn hơn. Và năm nào cũng vậy, cứ vào ngày thứ hai của tháng 10 hàng năm, các trường học ở mọi cấp tại đất nước Mặt trời mọc lại rộn rã diễn ra hội thao thường niên Undoukai (Sports day).
Và điều đáng ngạc nhiên hơn là tại các trường học này, hoạt động thể dục buổi sáng diễn ra cực kỳ rầm rộ và đều tăm tắp. Các bài tập thể dục này không đơn giản chỉ là bài tập 1, 2, 3, 4… mà thậm chí còn là các bài tập theo nhạc. Trên một nền đất rộng rãi, thay vì đứng yên để chỉ đạo thì không chỉ có một thầy hoặc cô giáo hướ6ng dẫn các bé mà rất nhiều các thầy cô giáo khác cũng đều tập theo các bé và những đứa trẻ tuy chỉ 3, 4, 5 tuổi nhưng đều rất hăng say và không hề có chút uể oải nào khi tập theo nhạc.
Theo quan niệm của người Nhật, một sức khỏe tốt sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển tất cả những phương diện khác của trẻ, đồng thời rèn luyện tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sức chịu đựng, sự kiên trì, lòng tự tin và quan trọng là có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt.
Giáo dục thể chất là một phần quan trọng được bố mẹ, thầy cô giáo định hướng cho các em ngay từ khi lọt lòng. Bởi vậy, tại Nhật Bản, trẻ chưa đến 1 tuổi đã có thể tham gia thi đấu thể thao với các cuộc thi bò được tổ chức mỗi năm hay tham gia các lớp học nhảy, học võ khi ở độ tuổi lớn hơn và tại các trường trung học thì rất nhiều các câu lạc bộ như câu lạc bộ đấu kiếm, câu lạc bộ bóng rổ, bóng chày đều được mở ra và rất được nhà trường coi trọng.
Thậm chí, có rất nhiều cuộc thi chạy đều được tổ chức vào mùa đông và ở đó, những đứa trẻ cởi trần để chạy. Hay trong giờ ra chơi, thay vì ngồi một chỗ, trẻ thường được các thầy cô giáo khuyến khích vận động nhiều hơn, bởi vậy, thay giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học kéo dài khoảng 5-10 phút thì có nhiều trường đã kéo dài thời gian này lên tới 20 phút.
Chính vì vậy, ở Nhật, bạn sẽ thấy trẻ đi bộ rất nhiều, những đứa trẻ học tiểu học có thể tham gia leo núi trong một thời gian dài mà không hề thấy mệt mỏi. Bên cạnh đó, không chỉ tiểu học mà ngay cả trẻ em mẫu giáo khi đến trường cũng sẽ mặc những chiếc quần đùi trong mùa đông, bất chấp thời tiết giá rét và trong tiết trời giá rét từ 2-5 độ C, các em có thể thoải mái nô đùa, nghịch ngợm mà không lo mắc các chứng cảm lạnh, viêm đường hô hấp do được rèn luyện mỗi ngày.
Nhưng nếu điều đó chỉ xảy ra tại các trường mẫu giáo, tiểu học tại Nhật Bản thì liệu nó có tạo thành một thói quen tốt như vây? Theo Japantimes thì tại Nhật Bản, có một văn hóa rất đặc trưng đó là văn hóa "Radio Taiso". Trong tiếng Nhật, Rajio Taiso là tập thể dục theo radio, tức là một hình thức tập thể dục mà mọi người tập với nhau theo âm thanh được phát ra từ một chiếc radio. Và đó không chỉ là một thói quen của bất kỳ một vùng nào mà là thói quen của toàn thể người dân Nhật Bản vào lúc 6h30 phút mỗi sáng.
Ngày nay, chương trình này không còn chỉ cố định phát vào 6h30 phút sáng nữa mà sẽ được phát nhiều lần trong ngày nhằm khuyến khích nhiều người tập thể dục hơn. Với các em học sinh thì ngoài việc tập thể dục tại trường học thì các em cũng được khuyến khích tham gia tập thể dục trong dịp nghỉ hè và thường có giải thưởng dành cho những em tham gia tích cực nhất. Chính những điều đó đã tạo nên một Nhật Bản khỏe mạnh, sống lâu và từ một dân tộc "lùn" trở thành một dân tộc với chiều cao đáng nể như hiện tại kể cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Công ty TNHH SNO
435 An Dương Vương, P.11, Q.6
Tel : 028 62900030 - 028 7542336
Web : www.babyguard.vn Mail: info@fujisno.com
GCN ĐKKD số : 0313643802 do SKH&ĐT Tp.HCM
Cấp ngày 29/01/2016