Cảnh báo 15 món đồ "tưởng lành hóa nguy" trong nhà

Nơi nhiều nguy hiểm nhất hóa ra cũng là nơi an toàn nhất. Bạn đừng chủ quan khi ở nhà bé sẽ được bảo vệ tối ưu, rất nhiều tai nạn rình rập chỉ chực chờ lúc bất cẩn, nhất là lúc bé đang trong độ tuổi khám phá hiếu động. Cẩn thận với 15 “kẻ gây hại” sau để bảo đảm an toàn cho bé, mẹ ơi!

Tưởng chừng lành tính, nhưng 15 món đồ sau đây lại có thể gây những tai nạn khôn lường cho bé con. Cẩn tắc vô áy náy, bảo vệ an toàn cho bé bằng cách loại bỏ ngay những mối nguy sau, mẹ nhé!
An toàn cho bé: Loại trừ 15 mối nguy trong nhà

Tưởng là nơi an toàn cho bé cưng, nhưng thực tế, nhà lại là nơi có nhiều “kẻ gây hại”
1/ Túi xách, ví :

Ví là đồ vật các mẹ hay bỏ qua nhất bởi nghĩ rằng chúng chẳng tiềm ẩn mối nguy nào cho trẻ. Tuy nhiên, nếu trong đó chứa một vài món đồ như thuốc uống, thuốc xịt hoặc hóa chất, vô tình trẻ lục lọi và táy máy, làm sao lường trước được hệ quả? Do đó, bạn nên đảm bảo túi xách không để bất cứ vật gì có thể gây hại cho bé yêu, hoặc đơn giản chỉ cần để ở ngoài tầm với của con.
2/ Tủ cao

Tủ cao không phải đồ vật làm ba mẹ phải quá bận tâm khi nghĩ đến chuyện đảm bảo an toàn cho bé tại nhà. Tuy nhiên, nếu tủ trong nhà không gắn chặt, cố định chắc chắn vào tường, nguy cơ bé bị tủ đè vào đầu, vào người là rất cao. Trẻ mầm non rất thích khám phá, vì vậy, cảnh tượng leo trèo, bám vào cạnh tủ, giường, bàn, ghế là hết sức bình thường.
3/ Thảm

Nếu không trang bị miếng đệm chống trượt dưới thảm, thảm có thể là mối nguy hiểm cho bé. Bước vào lứa tuổi tập đi, bé vẫn chưa thể đứng vững trên đôi chân của mình. Do đó, bằng việc thêm miếng đệm chống trượt dưới thảm, bạn sẽ loại bỏ được nguy cơ này.
4/ Nam châm

Nam châm cũng là vật được sử dụng phổ biến trong gia đình, đặc biệt là để gắn giấy ghi nhớ lên tủ lạnh. Ngoài chuyện có thể làm bé ngạt thở, việc chẳng may nuốt phải nam châm còn gây ra những hệ quả khó lường khác. Theo tạp chí Thời đại, Mỹ, lực hút mạnh và trọng lượng của nam châm có thể gây thủng thành ruột hoặc xoắn ruột, dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thường phải chữa trị bằng phẫu thuật.
5/ Bóng bay

Loại đồ chơi nhiều màu sắc, đẹp mắt, và có vẻ như vô hại này được rất nhiều bậc phụ huynh mua về cho con chơi. Tuy nhiên, chỉ cần chút bất cẩn, những trái bóng cao su hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho bé. Số trẻ bị nghen do nuốt bóng bay chưa thổi vào miệng thậm chí còn cao hơn nhiều so với các loại đồ chơi khác. Bên cạnh đó, thống kê con số trẻ bị ngạt thở do đồ chơi chiếm đến 1/3 số ca tử vong do ngạt ở trẻ nhỏ.

6/ Pin các loại

Một số gia đình có thói quen không vứt bỏ pin sau khi sử dụng, hoặc đôi khi bất cẩn cho con chơi các vật dụng, đồ chơi chạy pin không đóng nắp pin cẩn thận. Trẻ nhỏ vốn tò mò nên rất có thể cho pin vào miệng, nhất là với các loại pin đồng hồ, pin điều khiển có kích thước nhỏ. Nếu bị mắc lại ở thực quản, dạ dày hoặc ruột, dịch pin ăn mòn sẽ gây tổn thương niêm mạc gây loét. Chưa kể, pin cứng và kích thước khá lớn có thể làm trẻ bị ngạt.
7/ Mành rèm cửa sổ

Theo khảo sát năm 2011 của tạp chí New York Times, mỗi tháng ở Mỹ có một trẻ tử vong do rèm cửa sổ. Ba mẹ nên cẩn thận với loại nội thất tưởng như vô hại này bằng cách cắt ngắn hoặc giấu kỹ dây kéo rèm, đồng thời hạn chế sử dụng loại mành rèm có cạnh sắc.
8/ Hóa chất tẩy rửa

Màu sắc sặc sỡ bắt mắt của những chai thuốc tẩy rửa rất có thể làm trẻ nhầm lẫn với nước ngọt. Bởi thế, đừng chỉ giấu kỹ, nên cất những hóa chất tẩy rửa này khỏi tầm với của trẻ. Theo nghiên cứu mới đây, ngay cả những loại dung dịch tẩy rửa không độc hại cũng vẫn gây nguy hiểm cho trẻ một khi trẻ uống hoặc thậm chí hít phải.
9/ Vỏ ni lông/lá thiếc/giấy bọc thực phẩm

Nếu không chú ý, ngay cả vỏ nhựa hay giấy bạc bọc ngoài thực phẩm cũng có thể làm tổn thương làn da mỏng manh của trẻ do cạnh sắc của chúng. Bởi vậy, khi muốn sử dụng thiếc cán mỏng đóng cuộn để bọc đồ ăn, thực phẩm, bạn nên chú ý hơn tới đường cắt.
10/ Dao cạo râu

Không cần phải giải thích nhiều về độ nguy hiểm nếu những chiếc dao cạo của ba bị trẻ đem ra nghịch. Chú ý cất chúng cẩn thận, cùng với dầu gội, sữa tắm, thuốc và các loại hóa chất có thể gây hại khác ra khỏi tầm với của trẻ.
11/ Những viên kẹo ngọt

Bé còn nhỏ, chưa dễ dàng làm quen với việc nuốt những vật to, cứng như những chiếc kẹo, đặc biệt là kẹo hình vuông, hình chữ nhật… Cũng có nhiều bé bị hóc thạch gây bít đường thở. Đôi khi trong những trường hợp nặng, nếu không biết cách và kịp xử lý trong vòng 5-10 phút, cơ thể trẻ sẽ tím tái, thậm chí dẫn đến tử vong.



Bánh kẹo luôn là món khoái khẩu hàng đầu với nhiều trẻ em, nhưng nhiều trường hợp người lớn không chú ý dẫn đến trẻ bị hóc bánh kẹo, hóc thạch.
12/ Đũa ăn

Thông thường trẻ nhỏ rất yêu thích những đồ vật nhỏ, dài vì dễ cầm nắm. Tuy nhiên, đây lại là đồ vật tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho bé. Nếu chẳng may chơi nghịch không cẩn thận bị té ngã, đũa có thể chọc vào mắt hoặc miệng bé. Vì vậy, để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mẹ nên cất đũa hoặc những vật dụng tương tự như dao, kéo, bút… ở những nơi bé không thể với tới.

13/ Trang sức của mẹ

Những món đồ nữ trang sáng loáng, sặc sỡ và nhìn bắt mắt rất thu hút sự quan tâm của trẻ. Nếu chơi đùa bình thường, sẽ không có nhiều vấn đề đáng lo ngại, tuy nhiên, nhiều bé chưa ý thức sẽ cho vào miệng, thậm chí là nuốt. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho bé và phòng tránh các tình huống không mong muốn trên, mẹ nên cất trang sức ở những nơi an toàn, trong hộp có khóa để tránh trẻ táy máy, nghịch ngợm.
14/ Ổ cắm điện

Nhiều bé rất có hứng thú với các ổ điện trong nhà và thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi các bé nghịch ngợm với ổ cắm điện. Bé có thể nhìn thấy mẹ cắm điện nồi cơm, máy xay sinh tố, máy sấy tóc… và tò mò muốn thử một lần cắm bằng cách thò ngón tay vào. Vì vậy, muốn giữ an toàn cho bé, nên trang bị nắp bảo vệ các ổ cắm.
15/ Máy xay các loại

Theo các bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Nhi Đồng 2, rất nhiều trường hợp trẻ nghịch dại, lỡ tay cho vào máy xay thịt/sinh tố lúc mẹ không để ý đã để lại những di chứng vô cùng nặng nề. Thời đại công nghiệp, mọi máy móc đều dùng điện, sự cố khi xảy ra quá nhanh và lực thường quá mạnh. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho bé, mẹ nên cẩn trọng và chú ý trông nom trẻ, luôn để ý khi bé chơi một mình để tránh các tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt với trẻ chưa có ý thức, không nên để bé chơi gần các động cơ quay, máy phát điện, ổ điện, bếp, thùng nước hoặc nồi nước sôi vì tai nạn có thể xảy ra trong tích tắc.

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email

Công ty TNHH SNO

435 An Dương Vương, P.11, Q.6

Tel : 028 62900030 - 028 7542336

Web : www.babyguard.vn Mail: info@fujisno.com

GCN ĐKKD số : 0313643802 do SKH&ĐT Tp.HCM

Cấp ngày 29/01/2016